Thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện miền núi cao Quỳ Châu đã và đang gặp không ít khó khăn cả trên 3 yếu tố “hạ tầng số, con người, cơ chế chính sách”. Tuy nhiên, với mục tiêu vì sự phát triển bền vững, huyện đã và đang quyết tâm, từng bước thực hiện tốt nội dung này.
Nhiều chuyển biến tích cực
Chị Lô Thị Bích, 28 tuổi từ xã Châu Hoàn ra Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu để khám, chữa bệnh nhưng lại quên mang theo thẻ bảo hiểm y tế. Chị Bích đã hết sức bối rối khi nghĩ đến quảng đường 60km về nhà lấy thẻ, rồi tiếp tục quay trở lại làm khám chữa bệnh. Nhưng rất may, cán bộ của trung tâm y tế đã có mặt, trực tiếp hướng dẫn chị cài đặt ứng dụng VssID trên máy điện thoại thông mình, lấy mã QR từ đây để tiếp tục thực hiện thủ tục khám chữa bệnh.
Chị Lô Thị Bích kể: “Việc cài đặt cũng nhanh lắm. Mình cung cấp mã số thẻ, ảnh chụp, số căn cước công dân…một loáng là xong. Cán bộ y tế dùng máy đọc để quét mã QR và lấy thông tin từ mã. Màn hình máy tính hiện thị hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế của mình. Thế là công việc khám chữa bệnh của tôi diễn ra bình thường”.
Bác sĩ Lô Thanh Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu cho biết: “Việc sử dụng ứng dụng VssID để khám chữa bệnh được Trung tâm bắt đầu thực hiện từ năm 2021. Ứng dụng này cho phép người dân đi khám chữa bệnh mà quên thẻ, mất thẻ. Việc sử dụng các phần mềm tương tự như VssID là một phần của quá trình chuyển đổi số của ngành y tế và bảo hiểm, đã và đang giảm thiểu sự phiền phức, khó khăn người dân trong quá trình khám chữa bệnh. Thực hiện chuyển đổi số, ở thời điểm này, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu đã và đang áp dụng phần mềm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo tốt công tác thanh quyết toán hay nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở V20 trong quản lý thông tin y tế cơ sở. Để tạo sự tiện ích hơn cho người dân khi đến khám chữa bệnh, cán bộ công nghệ thông tin của Trung tâm đang viết phần mềm giúp người dân có thể đăng ký khám chữa bệnh trước qua cổng điện tử của đơn vị, giảm thời gian chờ đợi. Phần mềm này dự kiến đưa vào áp dụng trong năm 2023…Trung tâm cũng đang hướng tới việc triển khai bệnh án điện tử trong thời gian tới”.
Ở huyện Quỳ Châu, không riêng gì ngành y tế, bảo hiểm xã hội mà nhiều ngành, đơn vị khác như giáo dục, ngân hàng, chính quyền số .v.v.. cũng đã và đang có những thay đổi tích cực trong chuyển đổi số. Đơn cử, trong thời gian cách ly xã hội do dịch Covid-19, việc học, nhiều cuộc họp và xử lý công việc của địa phương đều được thực hiện qua máy tính.
Bà Nguyễn Thị Châu, HUV, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo Quỳ Châu cho biết: “Nếu trong dịch, không thực hiện chuyển đổi số thì việc giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh sẽ rất khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của ngành giáo dục Nghệ An, hiện nay ngành giáo dục huyện nhà đang đẩy mạnh nội dung này. Trong giảng dạy, tất cả các giáo viên phải liên tục cập nhật kiến thức kỹ năng để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong quản lý, ngành áp dụng các phần mềm quản lý văn bản, chữ ký số; quản lý nhà trường, học sinh, điểm, giáo án, thông báo kết quả cho học sinh…Bên cạnh đó còn có nhiều phần mềm tiện ích khác như phần mềm kế toán, phần mềm bồi dưỡng thường xuyên, họp trực tuyến”.
Mục tiêu dẫn đầu các huyện miền núi cao
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Đây là một chủ trương lớn, đã được triển khai từ Chính phủ xuống tỉnh, huyện. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia vào. Ở Nghệ An, chuyển đổi số đang được Nghệ An tập trung triển khai với quyết tâm, quyết liệt trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Và năm 2022, Nghệ An đặt ra quyết tâm tập trung chuyển đổi số trong các cơ quan hành chính nhà nước, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay, Quỳ Châu đã tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các ngành liên quan về tăng cường triển khai chuyển đối số. Huyện cũng chỉ đạo việc tăng cường chuyển đổi số từng lĩnh vực. phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, Quỳ Châu cố gắng tăng chỉ số cải cách hành chính từng bước loại bỏ việc xử lý công việc bằng văn bản giấy, góp phần tiết kiệm ngân sách hàng năm; giảm phiền hà cho nhân dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền lợi bản thân. Quỳ Châu cố gắng đẩy mạnh việc tích hợp chuyển đổi số nhanh nhất, hiệu quả nhất tại những ngành, đơn vị có sự liên quan trực tiếp đến dân sinh.
Trong thực hiện chuyển đổi số, là một huyện miền núi cao, Quỳ Châu đã và đang gặp không ít khó khăn cả trên 3 yếu tố “hạ tầng số, con người, cơ chế chính sách”. Cụ thể, đó là việc thiếu trang thiết bị, máy móc, phần mềm; điện lưới, đường truyền chưa thuận lợi; vẫn còn không ít cán bộ lãnh đạo, quản, lý, người đứng đầu chưa thực sự quyết liệt trong quá trình chuyển đổi số; nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp chưa có nhiều kiến thức, cộng với tư tưởng ngại khó, chậm đổi mới, chậm tiếp thu ứng dụng công nghệ thông tin; việc tuyển dụng, đào tạo cán bộ công nghệ thông tin chuyên môn sầu cần có thời gian. Bên cạnh đó, Quỳ Châu còn nhiều khó khăn về mặt nguồn lực, trong khi chính sách thuê hạ tầng số chưa được đầy đủ.
Dẫu có rất nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên, Quỳ Châu luôn nêu cao quyết tâm thực hiện tốt chuyển đổi số. Đồng chí Vương Quang Minh, Bí thư Huyện uỷ Quỳ Châu nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu. Trong đó cần lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Quỳ Châu đã và đang chủ động triển khai các nội dung này theo các bước. Thứ nhất, huyện tập trung tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cấp uỷ, chính quyền về mục đích, ý nghĩa, xu thế tất yếu của chuyển đổi số; để từ đó tất cả hệ thống chính trị, xã hội đều phải cuộc. Thứ hai, huyện tổ chức ký kết chương trình phối hợp với VNPT Nghệ An và bắt tay đi vào các phần việc cụ thể mà trước mắt là xây dựng và phát triển chính quyền số. Việc phát triển chính quyền số nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của chính quyền, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội. Thứ ba là từng bước xây dựng xã hội số với thói quen, văn hoá mới…”.
Quỳ Châu nói riêng và các huyện miền núi nói chung đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số từ hạ tầng công nghệ, nhân lực cho đến cơ chế. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta chùn bước. Do đó, tiên quyết phải là quyết tâm thực hiện, gặp khó khăn thì sẽ từng bước tháo gỡ. Xác định chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững.
Tải về